Giải pháp nâng cao hiệu quả đường truyền của Newtel

Ngày 27/01/2014, công ty CP Viễn thông New-Telecom giới thiệu giải pháp nâng cao hiệu quả đường truyền bằng cách nén và giải nén các file truyền tải thông qua hệ thống thiết bị và phần mềm do công ty cung cấp.

Giải pháp nâng cao hiệu quả đường truyền thông đang được ứng dụng bước đầu tại BV Việt Đức, BV Xanh-Pôn rất hiệu quả. Theo GS.TS.BS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai, hiện ở đây mới chỉ phát triển “trình” công nghệ thông tin đến mức giao ban được hàng tuần trực tuyến với 8 đơn vị BV vệ tinh và Trường ĐH Y Thái Bình qua hệ thống thiết bị số đầu cuối với đường truyền thông thường, và thực hiện nhiều khóa đào tạo từ xa.

Vài tháng gần đây, nhờ có gói viện trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản), họ mới có điều kiện tiến lên một bước: Hội chẩn trực tuyến trong đó có chẩn đoán hình ảnh (Teleradiology). Nhiều ca khó với những hình ảnh chụp CT, cộng hưởng từ với dung lượng lớn đã và đang được thử nghiệm tại các cuộc hội chẩn trực tuyến giữa BV Bạch Mai với các BV Đa khoa Bắc Ninh, Ninh Bình được truyền sắc nét trên băng thông trắng và rộng, với tốc độ cao. “Cuộc hội chẩn “thật” đến mức như chúng tôi đang đối diện với nhau chỉ cách một tầm tay với” – PGĐ Nguyễn Minh Thông cảm nhận.

Tuy nhiên, những ưu thế như vậy cũng chỉ có chừng 2 năm nữa trong khuôn khổ dự án. Tại một cuộc họp về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế gần đây, Công ty CP Viễn thông New-Telecom giới thiệu giải pháp nâng cao hiệu quả đường truyền thông thường bằng cách nén và giải nén các file truyền tải thông qua hệ thống thiết bị và phần mềm do Công ty cung cấp. Giải pháp này đang được ứng dụng bước đầu tại BV Việt Đức, Xanh-pon rất hiệu quả. PGĐ Nguyễn Minh Thông cũng như các bác sĩ ở đây có vẻ như đang bị nó “hút hồn”.

Nói về hiệu quả kinh tế, xã hội của Telemedicine, PGĐ Nguyễn Minh Thông đưa ra so sánh cho một người mắc bệnh hiểm nghèo. Phải lặn lội đi hàng trăm cây số với bao vất vả, tốn kém mới đến được đây chỉ để được chụp, xét nghiệm và chẩn đoán bệnh bởi những bác sĩ dày dặn về kinh nghiệm y khoa. Hoặc không phải đi đâu cả mà chỉ cần nằm ở cơ sở y tế tuyến dưới để được chẩn đoán và điều trị trực tuyến cũng bởi các bác sĩ này thông qua hệ thống Telemedicine với chi phí chắc chắn rẻ hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Vậy tại sao cho đến nay, giải pháp “từ xa” chỉ mới bắt đầu, thử nghiệm? PGĐ Nguyễn Minh Thông cho rằng khó khăn nhất vẫn là đường truyền và giải pháp kỹ thuật. Còn theo TS Nguyễn Xuân Hiền, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Bạch Mai: “Quan trọng là chúng ta phải đồng bộ hóa cấp quốc gia lưu trữ số (Icloud)”. Hiện BV Bạch Mai đang phải chi ra hàng tỷ đồng mỗi năm cho việc in ra phim những ảnh chụp CT hay cộng hưởng từ cho người bệnh. “Nếu chúng ta dành số tiền đó đầu tư duy trì hệ thống server lưu trữ số quốc gia (chứ không phải dùng các Icloud có server nước ngoài) để lưu trữ các hình ảnh cũng như bệnh án bệnh nhân thì hiệu quả vô cùng lớn. Việc này đòi hỏi Bộ Y tế và Nhà nước can thiệp để có thể thực sự vào cuộc cách mạng số trong y tế” – ông Hiền nhấn mạnh.

Comments are closed.